Chiếc bánh giầy có vị dẻo thơm của xôi nếp, vị thơm ngon của miếng chả quế để ăn kèm. Bánh giầy là món bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam, gắn liền với câu chuyện về Hoàng tử Lang Liêu. Bánh được làm từ nếp trắng đậu xanh, thường có hai loại: là chay và mặn, bánh giầy chay nhân đậu đường trắng, bánh giầy mặn nhân đậu mỡ lợn thái hạt lựu…
Ở Sài Gòn phổ biến nhất là loại bánh giầy trắng không nhân, nhỏ bằng lòng bàn tay. Cứ hai cái bánh thành một cặp và thường kẹp ăn chung với giò lụa, chả quế… Khác với ngoài Hà Nội, miếng chả kẹp trong bánh thường khá dày.
Chiếc bánh bình dị, dân dã là thế nhưng để làm ra nó thì không đơn giản tí nào. Bánh ngon hay không, phần quyết định là khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm đem ngâm, đồ thành xôi. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh dẻo thơm làm thành chiếc bánh giầy chay.
Khi ăn, bánh được kẹp thêm miếng giò lụa hoặc chả quế và rắc vào một ít muối tiêu. Cắn một miếng bánh giầy để cảm nhận hương nếp trong từng miếng bánh, cái dẻo của nếp quyện với vị giò thơm hương lá chuối cùng vị hơi mặn của muối tiêu làm cho chiếc bánh giầy thêm đậm đà và ngon miệng.
Là món ăn nổi tiếng của Hà Nội nhưng từ khi xuất hiện trên đường phố Sài Gòn, chiếc bánh giầy có màu trắng tinh được kẹp chả nhanh chóng được người dân ở đây ưa thích. Hình ảnh những chiếc xe đạp chở đằng sau một thúng bánh giầy ở cổng trường học, công viên hay một góc phố nào đó không còn xa lạ với người Sài Gòn. Mỗi cặp bánh giầy hiện nay có giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng.