Bánh cuốn là loại bánh làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, để ăn khi còn ướt, bên trong cuốn nhân (trường hợp không cuốn nhân ở Miền Nam gọi là bánh ướt).
Bánh cuốn thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống pha trong nước chấm khi ăn thường kèm thêm chả lụa.
Bánh cuốn được làm rất công phu. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon, được xay thật nhuyễn thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng.
Nồi tráng bánh phải rửa thật sạch, thường giống như chiếc nồi đồ xôi, bên dưới đựng nước, bên trên để tráng bánh. Tráng bánh phải mỏng như tờ giấy, mướt như mạ non, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào thì thanh nhẹ, mát rượi. Phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái.
Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi…
Nước chấm được pha đủ vị chua, cay, ngọt… (có pha thêm chút nước sôi nên bao giờ cũng nóng). Chả ăn kèm với bánh cuốn cũng có vị rất đặc biệt, không giống với bất kỳ loại chả phổ thông nào bày bán ngoài thị trường, bởi nó vừa beo béo, vừa giòn, ngọn lịm, lại thơm phưng phức. Khi ăn bánh cuốn sẽ kèm theo 1 đĩa nhỏ rau thơm bày ra bàn ăn.
Cũng giống như bánh chưng truyền thống – bánh giầy truyền thống, bánh cuốn là một loại bánh được ăn phổ biến, và một số nơi làm bánh rất ngon và nổi tiếng như: Bánh cuốn Thanh Trì, Bánh cuốn nhân thịt Hà Nội, Bánh cuốn Làng Kênh (Nam Định),Bánh cuốn trứng (Lạng Sơn), Bánh cuốn Hải Dương, Bánh cuốn Phủ Lý. Mỗi một nơi bánh cuốn có sự khác nhau do chất liệu gạo, cách pha chế nước chấm…nếu bạn đi du lịch qua các địa danh này có thể ghé qua để thưởng thức.