Dừng chân tại thị trấn Gia Lộc – Hải Dương ăn chiếc bánh dày, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân, chắc chắn chỉ một lần bạn sẽ nhớ mãi hương vị ấy, để lần sau có dịp đi ngang qua nhất định sẽ ghé thăm nơi này.
Chiếc bánh dày trắng mịn, dẻo thơm đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của thị trấn Gia Lộc. Bánh dày Gia Lộc có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một dư vị rất độc đáo.
Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ làm bánh phải rất khéo léo. Đặc biệt muốn có hương vị thơm ngon nguyên liệu làm bánh nhất thiết phải là gạo nếp vụ mới thì mới bảo đảm được độ dẻo, mềm, thơm ngon. Gạo vo và đãi sạch đến khi nước trong veo thì ngâm trong nước mưa hoặc nước sạch 6 tiếng mùa hè, 8-10 tiếng mùa đông, nếu ngâm quá lâu, gạo sẽ bị chua. Sau đó để gạo róc nước và đồ xôi từ 50 – 60 phút.
Cơm nếp phải được đồ vừa khéo, đủ độ để giã. Công đoạn tiếp theo là giã bánh. Người giã bánh phải là người có sức khỏe dẻo dai, tay chày, tay cối, giã ngay từ lúc cơm còn nóng, đến khi không còn nổi những hạt cơm nhỏ li ti thì mới đạt yêu cầu. Công đoạn này yêu cầu sức khỏe cũng như sự khéo léo của người thợ để đạt được độ dẻo mịn vừa phải. Chẳng vì thế mà tiếng chày giã bánh mỗi sớm tinh sương từ bao đời nay đã trở nên thân thuộc với người dân Gia Lộc đến thế.
Thưởng thức thứ bánh này, thực khách sẽ thấy nhẹ nhàng, mềm mại, cảm nhận dư vị đậm đà của hương nếp trong từng miếng bánh quyện với hương thơm lá chuối. Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng của người dân địa phương. Giữa vô vàn những thứ quà ăn sáng như phở, bún, cháo…chiếc bánh dày truyền thống vẫn được nhiều du khách lựa chọn như một món ăn đậm tình quê.