Cơm lam – có lẽ ai cũng đã nghe qua, và biết đây là món ăn đặc trưng của đồng bào miền núi nhưng không phải ai cũng đã từng được nếm cái hương vị ngon, thơm, dẻo mà đậm đà ấy.
Cơm lam nghĩa là cơm nướng trong ống, lam là một cách gọi của đồng bào Thái mà trong tiếng phổ thông gọi là nướng. Nhưng không đơn giản như vậy, món ăn vẫn mang giá trị độc đáo và cầu kì trong cách làm.
Cơm lam còn là món ăn đậm tính linh thiêng, ở miền rừng núi coi trọng cơm lam, dùng để dâng lên tổ tiên, trời đất trong những dịp lễ quan trọng của mình.
Cơm lam của đồng bào miền núi khác hẳn với cơm ăn hàng ngày, từ cách nấu đến hương vị. Cơm lam không nấu trong nồi, xoong, mà nấu trong ống nứa, ống tre tươi. Để nấu cơm lam cần phải chọn những cây nứa còn non, sắp xòe lá, bẹ còn ốp lấy thân cây, đường kính gần bằng bắp tay là thích hợp nhất. Chọn những ống nứa bánh tẻ ở giữa thân cây để dùng, một đầu ống (phía đầu ngọn) được tiện bằng để cho gạo và nước vào ống, còn đầu ống phía gốc để nguyên.
Gạo nấu cơm lam thường là gạo nếp mới, thơm, được sạch, cho chút muối vào trộn đều rồi đổ vào ống nứa. Đổ gạo đầy khoảng 2/3 ống là vừa, cho nước vào mặt gạo dài bằng ngón tay rồi bịt đầu ống nứa lại rồi chất củi chung quanh đốt chín. Khi đốt thỉnh thoảng lại xoay ống nứa để các mặt tiếp xúc đều với lửa, khi thấy cơm nếp trong ống tỏa mùi thơm là đã chín. Cho nhỏ lửa dần khoảng vài phút nữa là được.
Trước khi ăn, phải dằn mạnh ống xuống đất để cơm dồn về phần cuối. Sau đó chẻ bớt phần vỏ bên ngoài cho sạch sẽ, chỉ để lại phần lõi bên trong. Khi ăn cầm cả ống cơm lam tách phần nứa còn lại để lấy cơm ăn.
Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, khi ăn có mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc rất đậm đà, ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa, mùi của ống cây nứa… Cơm lam cũng được dọn ra ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng.
Cơm lam là món ăn linh thiêng bởi theo tín ngưỡng ở vùng cao, nó gắn liền với ý nghĩa “vòng đời”: người phụ nữ sau khi sinh chỉ được ăn cơm lam để trừ độc, và chỉ được ăn những ống cơm lam được chế biến cẩn thận, được treo cùng nhau thai của đứa trẻ ở bìa rừng để báo cho thần linh biết rằng con mình đã ra đời mong được che chở, phù hộ. Với những ý nghĩa tốt đẹp đó, cơm lam vẫn được gìn giữ trong các gia đình miền núi như một nét đẹp truyền thống.
Cùng với bánh chưng nếp cẩm, bánh dày, giò chả. Cơm lam góp phần tạo thành nét đẹp ẩm thực vô cùng phong phú trên đất nước Việt Nam.
Ở Hà Nội và Sài Gòn bạn có thể thưởng thức món cơm lam ngon ở các nhà hàng.